Thảo nguyên Mông Cổ qua lăng kính thế kỷ 21

Thảo nguyên Mông Cổ qua lăng kính thế kỷ 21

Nằm ở vùng Trung Á giáp với Nga và Trung Quốc – khu vực hẻo lạnh nhất tại châu Á, Mông Cổ là một trong những nơi “bí ẩn” nhất thế giới. Đó không chỉ là quê hương của nhà quân sự lỗi lạc Thành Cát Tư Hãn, mà còn hấp dẫn bởi những thảo nguyên bạt ngàn, đàn ngựa xông pha sương gió tạo nên bức tranh du mục đầy bí ấn.

Thế kỷ 21, vẫn có một Mông Cổ lắng đọng với “miền cỏ xanh” và mây trời đầy dung dị, thân thương. Mỗi khoảng trời, mỗi dòng sông, đâu đâu cũng ánh lên sự bình yên và hạnh phúc. Giữa màu xanh bạt ngàn, Mông Cổ còn “cháy bỏng” với sa mạc Gobi cằn cỗi. Nhưng cái hoang vắng ấy lại được thiên nhiên ưu ái cho quang cảnh tuyệt đẹp.

Mông Cổ được ôm trọn bởi những cồn cát khổng lồ, những ốc đảo đẹp mê hồn và đôi chân bước tự do trên “con đường tơ lụa” huyền thoại từ thế kỷ III trước công nguyên.

Bởi nằm gần cực Bắc bán cầu, khi tới hè, phải đến 10 giờ tối màn đêm mới thực sự buông xuống, vì vậy vào 6-7 giờ chiều, cảnh hoàng hôn nơi đây đẹp như tranh vẽ, hòa cùng bức tranh thảo nguyên tạo nên khung cảnh vô cùng “ảo diệu”.

Phần lớn đất đai ở Mông Cổ là đồng cỏ, thích hợp chăn nuôi gia súc hơn là để trồng trọt. Mông Cổ là một trong những nơi du mục cuối cùng còn sót lại trên thế giới. Những người dân du mục Mông Cổ chủ yếu di cư theo mùa và theo nhu cầu của động vật để tìm nơi chăn thả phù hợp cũng như tránh thời tiết khắc nghiệt.

Người Mông Cổ vô cùng thân thiện và hiếu khách, “dù có ghé qua nhà dân mà không báo trước, người Mông Cổ cũng sẽ vui vẻ đãi bạn thức ăn, chỗ ngủ hoặc thậm chí lều cho ngựa của bạn”.

Cuộc sống của người dân du mục Mông Cổ ngày nay không khác nhiều so với tổ tiên của họ, vẫn nay đây mai đó với túp lều và đàn gia súc. Tuy vậy, cuộc sống của họ đã có thêm xe đạp, xe máy và ti vi lấy điện từ pin mặt trời. Tại các vùng thảo nguyên, gia súc phổ biến của người du mục là ngựa, cừu, bò, dê và đều được chăn thả tự do.

Trên thảo nguyên rộng lớn, sống nay đây mai đó, người dân ngày càng hoàn thiện kỹ thuật dựng lều Yurt. Lều được dựng giữa thảo nguyên, trên vách đá hay dựa vào cây… để tránh gió bão, tuyết, mưa và thú dữ. Ngày nay, dạng kiến trúc này chỉ còn nhiều ở các vùng cư dân có đời sống ít phát triển hoặc trở thành cảm hứng cho các công trình hiện đại.

Ở trong chính “ngôi nhà” của người Mông Cổ xưa, dường như “ôm trọn” hương vị của thảo nguyên xanh; nơi đất trời hòa một, không khí thanh trong, mát lành len lỏi vào từng không gian Yurt nhỏ riêng.

Một trong những điều thú vị  đó chính là thưởng thức ẩm thực địa phương. “Mutton Kebabs” – niềm tự hào của người dân nơi đây. Chỉ cần một chút muối và thái mỏng thịt rồi xiên cùng rau, củ. Vị ngọt mềm tan chảy nơi đầu lưỡi của xớ thịt làm ai cũng thòm thèm mãi.

Tiếp theo là “Khuushur”, một trong những món ăn đường phố có mặt lâu đời ở Mông Cổ. Đây là một loại bánh rán có hình dáng tương tự như bánh bao với lớp vỏ bột mỏng và nhân đầy đặn bên trong.

Bên cạnh đó, còn có “Guriltai Shul” – súp thịt cừu; món bánh bao truyền thống với tên “Buuz” hay “Khorkhog” – thịt cừu hầm được nấu vào ngày lễ, Tết hay những dịp quan trọng ở Mông Cổ.

Mông Cổ – mảnh đất  mảnh đất yên bình và xinh đẹp, hoang dại nhưng lại thanh khiết. Tất cả những đối lập tưởng chừng không thể cùng tồn tại, làm nên bức tranh Mông Cổ khó mà tìm thấy ở đâu khác trên thế gian này.

Nguồn: Viettravel