Đến với thảo nguyên Mông Cổ, bạn không chỉ bị dụ hoặc bằng hương cỏ thanh nhẹ sớm mai mà còn chếnh choáng men say cùng hương vị thơm nồng của rượu sữa ngựa – thức uống rất riêng của xứ sở này.
Tại Mông Cổ, mùa thu hoạch sữa ngựa diễn ra từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 10. Để có được ly rượu sữa sóng sánh, sữa phải trải qua quá trình chế biến công phu. Muốn có được lượng rượu đủ dùng cho cả gia đình, người ta phải cần sữa của ít nhất 10 chú ngựa cái.
Sau khi thu hoạch, sữa thô sẽ được lên men trong nhiều ngày và được đảo đều trong các lò xoay hoặc được đổ vào chiếc túi da treo trên cao, hàng ngày lắc đều khoảng 1.000 lần sao cho rượu không quá loãng cũng không quá đặc.
Người dân Mông Cổ rất thích thú với món uống này nhờ hương vị chua chua, béo ngậy tuyệt vời của sữa khi lên men. Sữa ngựa giàu chất khoáng tốt cho tiêu hoá, giúp phụ nữ đẹp tóc, đẹp da.
Người dân Mông Cổ cho rằng màu trắng là màu thiêng liêng, tượng trưng cho hạnh phúc, thịnh vượng và địa vị xã hội cao. Theo tập quán, vào ngày tết Tsagaan Sar, mọi người trong gia đình sẽ cùng nhau thực hiện phong tục “rửa sạch” cả thể xác lẫn tâm hồn để chào đón mùa xuân. Không chỉ là yếu tố thiết yếu trong nghi thức thanh lọc, rượu sữa ngựa còn được dùng làm đồ uống, nhâm nhi trong bữa ăn đoàn tụ năm mới.
Rượu sữa ngựa có nồng độ cồn thấp – khoảng 3%. Nó có thể được tạo ra nhiều cồn hơn thông qua các chất bổ sung như cây bách xù hoặc lúa mạch xanh hoặc thông qua việc chưng cất thêm để tạo ra rượu vodka ngựa với nồng độ cồn khoảng 16%.
Bất cứ ai đặt chân đến đất nước thảo nguyên cũng sẽ chếnh choáng, say nồng bởi một hương vị rất riêng của rượu sữa ngựa!